image banner
Di tích – Danh thắng

LỄ GIỖ TỔ CỔ NHẠC

Trong các lễ  hội dân gian ở Vĩnh Hưng hiện nay còn có một số lễ hội rất đặc biệt, nhưng vẫn chưa được sự để ý của nhiều người, trong đó có Lễ giỗ Tổ cổ nhạc được tổ chức hàng năm tại CLB đờn ca tài tử huyện vào ngày 12 tháng 8 âm lịch.

Hàng năm cứ đến tháng 8 âm lịch, các anh chị em trong CLB đờn ca tài tử huyện chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giỗ Tổ. Địa điểm hành lễ đặt tại nhà tài tử đờn Trần Văn Trung chủ nhiệm CLB ở khu phố Măng Đa. thị trấn Vĩnh Hưng

Lễ giỗ Tổ ngày nay được tổ chức đơn giản hơn nhiều so với những thập niên giữa thế kỷ XX trở về trước.

Trước ngày 11 tháng 8 BCN CLB tổ chức cuộc họp thống nhất về chương trình hành lễ, các bản nhạc tế lễ, hương đăng trà quả, đồ ăn thức uống; quy định về số tiền đóng góp của các thành viên; cử ra thư ký, thủ quỹ và thành lập các ban: tế lễ, tiếp tân, hậu cần…Trong ngày 11/8 người thủ quỹ sau khi nhận niên phí hoặc các lễ vật của các thành viên đóng góp giao lại cho ban hậu cần, sáng ngày 11 ban này cử người đi chợ để mua sắm các thứ cần dùng, đêm hôm đó họ bắt đầu nấu nướng, ban tế lễ cũng có mặt để chỉ đạo trang trí bàn thờ Tổ, sắp xếp nơi hành lễ, chuẩn bị nơi tiếp khách…

Sáng ngày 12 tháng 8 ban tiếp tân đã có mặt thật sớm, chuẩn bị trà nước sắp đặt bàn ghế, phụ giúp ban tế lễ để dâng cúng hoa quả rượu trà do khách mang tới. Ban tiếp tân còn phụ trách cả việc bưng mâm để tế lễ.

Trên bàn thờ Tổ không có ảnh tượng mà chỉ có một bài vị ghi bốn chữ Cổ Nhạc Tổ Sư bằng chữ Hán. Phía trước là một bát hương to, hai bên có bày chân đèn với cặp nến thắp sáng, trên bàn thờ bày ngũ quả và hương hoa, hai bên bàn thờ treo các loại nhạc khí như: đàn kìm, đàn sến, đàn gáo, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền, đàn lục huyền… phía trước bàn thờ là một cái bàn thấp để dọn cúng thức ăn, phía trước là một khoảng trống lớn có trải đệm hoặc chiếu để tế lễ.

Khoảng 10 giờ bắt đầu hành lễ. Người dự lễ đa số là các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử địa phương và một số ít những người hâm mộ. Mọi người đứng trước bàn thờ bắt đầu thực hiện các nghi thức như: dâng hương, dâng hoa, dâng ngũ quả, dâng bánh, dâng giấy tiền, dâng rượu…  và cầu cho quốc thái dân an. Sau khi tế lễ, mọi người lui về vị trí của mình và cùng ngồi xuống. Tiếng đàn cò hòa cùng các loại đàn sáo mở đầu một bản nhạc lớn; một người được chọn trước bước ra quỳ trước bàn thờ Tổ lạy ba lạy, xong lại cất tiếng ca để hòa với điệu đàn; bản mở đầu này thường là Lưu thủy trường – bản thứ nhất của 20 bản Tổ; buổi lễ tiếp tục bằng sự hòa tấu một số bản trong 19 bản Tổ còn lại là: Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu. Chấm dứt phần lễ hiến Tổ mọi người đứng dậy nghiêm trang bái Tổ.

Sau khi cúng tế, các món ăn lại được dọn ra, những người tham dự vừa ăn vừa uống vừa hòa tấu tiếp tục. Giai đoạn này những người tấu nhạc thực hiện các nhạc bản canh tân, các bài vọng cổ...

Khoảng 2 giờ chiều, buổi lễ chấm dứt, mọi người hướng về linh vị Tổ bái ba bái, sau đó cùng nhau dọn dẹp và tuần tự ra về vui vẻ.

Nói tóm lại Lễ giỗ Tổ cổ nhạc ngày 12 tháng 8 âm lịch được tổ chức hàng năm tại thị trấn Vĩnh Hưng là một lễ hội nhỏ còn mang đậm tính địa phương nhưng đã thu hút đông đảo nghệ nhân, tài tử khắp nơi (Tân Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Đồng Tháp)..về hội tụ và là nơi cung cấp những tài liệu quý báu, khó tìm về cổ nhạc cho những người làm công tác văn hóa.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh